Sự khác biệt giữa ''Trường đại học'' và ''Đại học'' là gì?

Sự khác biệt giữa ''Trường đại học'' và ''Đại học'' là gì?

Khái niệm "trường đại học""đại học" có sự khác biệt rõ ràng, không chỉ ở tên gọi mà còn ở quy mô đào tạo và cấu trúc quản trị. Nhân sự kiện Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1115/QĐ-TTg ngày 7/10/2024 chuyển Trường Đại học Duy Tân thành Đại học Duy Tân, hãy cùng tìm hiểu chi tiết sự khác nhau giữa hai mô hình này.

Trường đại học: Phạm vi đào tạo chuyên ngành

Trường đại học là cơ sở giáo dục đại học tập trung vào đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành, nhưng chỉ trong một số lĩnh vực chuyên môn nhất định. Trường đại học có thể là một đơn vị độc lập hoặc thuộc về một đại học lớn (đại học vùng hay đại học quốc gia). Mặc dù có khả năng đào tạo nhiều ngành, trường đại học không mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ví dụ, một trường đại học kỹ thuật sẽ tập trung vào các ngành liên quan đến kỹ thuật mà không mở rộng đào tạo ra các lĩnh vực như khoa học xã hội hay kinh tế.

Trường Đại học Duy Tân. Ảnh từ website của trường.

Đại học: Mô hình đa ngành, đa lĩnh vực

Ngược lại, đại học là một mô hình lớn hơn và bao gồm nhiều lĩnh vực đào tạo. Theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, đại học không chỉ đào tạo một ngành mà bao phủ nhiều lĩnh vực khác nhau, mỗi lĩnh vực có thể bao gồm nhiều ngành chuyên sâu. Đại học thường bao gồm nhiều trường đại học thành viên. Các trường này chịu trách nhiệm giảng dạy và nghiên cứu trong các lĩnh vực khác nhau, nhưng cùng hướng đến mục tiêu chung của toàn đại học.

Một ví dụ điển hình là Đại học Bách khoa Hà Nội, sau khi chuyển đổi từ "trường đại học" thành "đại học", đã thành lập các trường đại học trực thuộc. Tuy nhiên, các trường này không có con dấu hay quyền cấp bằng riêng, mà bằng tốt nghiệp vẫn do Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội ký.

Mô hình "đại học" còn giúp tăng cường tự chủ học thuật cho các đơn vị trực thuộc, đồng thời duy trì sự điều hành thống nhất. Tuy nhiên, nếu quản lý không hiệu quả, mô hình này có thể trở nên phức tạp và cồng kềnh. Cho nên, sự chuyển đổi mô hình từ trường đại học thành đại học không nên là một xu hướng mà phải xem đây là công cụ để giải phóng sức sáng tạo từ bên trong.

Bài viết liên quan