Bắt cóc ảo, tiền thật: Cảnh báo chiêu lừa đảo tinh vi đang lan rộng

Bắt cóc ảo, tiền thật: Cảnh báo chiêu lừa đảo tinh vi đang lan rộng

Đó chính là chiêu lừa bắt cóc online, đang gây xôn xao dư luận và khiến nhiều người "sập bẫy" mất tiền thật.

Nạn nhân tự nhốt mình vì tin mình đang bị truy nã

Ngày 4/6, bà Vân (58 tuổi, Đồng Nai) đến trình báo công an trong tâm trạng hoảng loạn: con gái bà, chị Trần (22 tuổi), bị "bắt cóc" và nhóm đối tượng yêu cầu 300 triệu đồng tiền chuộc. Tuy nhiên, công an xác định chị Trần đang ở một khách sạn tại TP.HCM, không hề bị ai bắt cóc.

Sự thật gây sốc: chị bị lừa qua một cuộc gọi video giả danh công an, bị đe dọa là liên quan đến một đường dây ma túy. Để “phối hợp điều tra”, cô đã chuyển 812 triệu đồng cho nhóm lừa đảo. Tiếp đó, dưới sự “hướng dẫn” của kẻ mạo danh, cô tự thuê khách sạn ẩn náu, cắt liên lạc với gia đình. Nhóm lừa đảo chiếm quyền tài khoản mạng xã hội của chị để dựng tiếp vở kịch bắt cóc online, buộc mẹ cô chuyển thêm tiền chuộc.

photo 2025 06 16 10 09 03Cuộc gọi video của kẻ giả trung tá công an để lừa đảo. Ảnh: Công an Đồng Nai

Tâm lý hoảng loạn – mồi ngon cho chiêu lừa đảo bắt cóc online

Chiêu trò bắt cóc online này đã khiến nhiều nạn nhân sập bẫy. Học sinh, sinh viên, người trẻ là mục tiêu chính, bởi nhóm này thường nhẹ dạ, thiếu kinh nghiệm đối phó với đe dọa tinh thần.

Kẻ lừa đảo thường:

  • Giả danh công an, viện kiểm sát...

  • Dẫn chứng có liên quan đến vụ án ma túy, rửa tiền.

  • Đọc chính xác thông tin cá nhân để tạo lòng tin.

  • Đưa ra video giả mạo đầy tính thuyết phục.

  • Yêu cầu giữ bí mật tuyệt đối, đe dọa “sẽ bắt giam ngay nếu báo ai biết”.

  • Ép nạn nhân tự giam mình trong khách sạn, cách ly thông tin.

Sau đó, chúng dùng tài khoản mạng xã hội hoặc số điện thoại của nạn nhân để tiếp tục lừa người thân, dựng kịch bản bắt cóc đòi tiền chuộc.

Công an nói gì về chiêu lừa bắt cóc online?

Cơ quan chức năng xác định đây là một dạng lừa đảo công nghệ cao có tổ chức. Nhiều đường dây hoạt động từ nước ngoài, chia vai rõ ràng: người gọi đe dọa, người điều tra viên giả, người chỉ đạo “giam lỏng”.

Theo Cục An ninh mạng (Bộ Công an), chỉ trong năm 2024, người dân Việt Nam thiệt hại gần 19.000 tỷ đồng từ lừa đảo trực tuyến – gần gấp đôi so với năm trước. Đáng lo là tội phạm liên tục thay đổi hình thức, từ bắt cóc online, giả công an, giả ngân hàng, đến giả tuyển dụng, gây thiệt hại nặng cho những người ít kỹ năng số.

Dấu hiệu nhận biết chiêu trò bắt cóc online

  • Bị gọi từ số lạ, xưng là công an và yêu cầu kết bạn qua Zalo.

  • Được “cho xem” tang vật vụ án qua video quay sẵn.

  • Đe dọa phải chuyển tiền để minh oan, nếu không sẽ bị bắt.

  • Yêu cầu xóa toàn bộ liên lạc, chỉ giữ kết nối qua một phần mềm do chúng chỉ định.

  • Ép thuê phòng khách sạn, không tiếp xúc với gia đình.

  • Đòi quyền truy cập Zalo, Facebook, tài khoản ngân hàng để thao túng thêm.

Làm gì để không thành nạn nhân?

  • Không tin bất kỳ ai gọi đến xưng là công an và yêu cầu chuyển tiền. Cơ quan công an không bao giờ xử lý cá nhân qua Zalo hoặc gọi video.

  • Khi gặp tình huống bất thường, bình tĩnh kiểm tra với người thân hoặc gọi ngay 113, 069 hoặc đến công an gần nhất.

  • Giữ bí mật thông tin cá nhân, đặc biệt là số căn cước, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội.

  • Nói chuyện thường xuyên với người thân, đặc biệt là con cái, cha mẹ lớn tuổi – những người dễ bị tách khỏi cộng đồng và dễ thao túng tâm lý.

Chiêu bắt cóc online là một trong những hình thức lừa đảo tinh vi và nguy hiểm nhất hiện nay – không cần vũ lực, vẫn khiến người trẻ mất tiền, mất tự do, mất an toàn. Trong thời đại công nghệ, cảnh giác là lá chắn đầu tiên trước mọi âm mưu giả mạo, và kiến thức là vũ khí để không trở thành nạn nhân.

Bài viết liên quan